Khi mới được bổ nhiệm làm product owner của sản phẩm của công ty, tôi xác định rằng tư duy đầu tiên mình cần có là phải “hiểu” được sản phẩm mà team của mình đang xây dựng. Để tiếp cận tư duy này thì có khá nhiều phương pháp, trong đó thì tôi đề cao cách sử dụng mô hình kinh doanh (business model) để vẽ lên bức tranh tổng thể của sản phẩm, và kì vọng mọi thứ chúng tôi đang xây dựng sẽ không lệch khỏi tông màu chung của bức tranh đó.
Trong quá trình tìm hiểu các mô hình kinh doanh, tôi tình cờ đọc được một số phân tích về các mô hình nổi tiếng nhưng đặc biệt mà tôi nhớ mãi. Hai trong số chúng là câu chuyện về business model của 2 gã khổng lồ trên thế giới: Starbucks và McDonald’s.
Starbucks business model
Mô hình kinh doanh của Starbucks là gì?
Ôi dời dễ ợt, nó là mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi nhà hàng cafe (thuật ngữ gọi là franchise), nơi mà doanh thu chủ yếu đến từ việc bán cafe, cốc chén và các sản phẩm phái sinh.
Xin chúc mừng, bạn như một cái lốp xe vậy, hơi non.
Starbucks đã từng có một thời kỳ hoàng kim đáng tự hào kể từ khi Howard Schultz chính thức tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của công ty. Tuy nhiên, đến năm 2008, trước sự sai lệch về điều hành kèm theo sự sụp đổ của nền tài chính toàn cầu, Starbucks đã tụt dốc không phanh và suýt nữa phá sản. Đồ thị của nó theo đúng hình Sin như sau
Thế nhưng Starbucks đã trở lại cực kỳ mạnh mẽ trong những năm sau, và lấy lại vị thế gã khổng lồ cafe của mình. Tất cả chỉ dựa vào một thứ, đó chính là thay đổi mô hình kinh doanh.
Bạn có biết Starbucks vươn mình thành cái gì không?
Đó chính là một hình thái “ngân hàng không chính thức”. Bất ngờ chưa? Cụ tỉ là thế nào?
Một trong những quyết định để đời của Starbucks là tập trung vào xây dựng nền tảng công nghệ, tiêu biểu là hệ thống thẻ thành viên (membership). Tiếp đến họ phát hành nó số hoá trên ứng dụng di động của mình. Bên cạnh việc lưu trữ thông tin thành viên, Starbucks giới thiệu hình thức tích điểm theo lần mua để nhận ưu đãi, và cho phép user nạp thẳng tiền vào tài khoản để thanh toán trong hệ sinh thái của Starbucks.
Starbucks là một trong những kẻ tiên phong khai sinh ra mô hình này và giờ nó phổ biến thế nào thì ai cũng biết. Tuy nhiên, với lợi thế tiên phong, cộng thêm uy tín từ thương hiệu, có rất rất nhiều người không ngần ngại gửi tiền vào tài khoản trên ứng dụng của Starbucks. Chưa hết, giá của một cốc cafe theo chiến lược luôn là số lẻ (ví dụ không bao giờ là 3$ chẵn, nó có thể là 2.95$), và điều này càng kích thích người dùng nạp nhiều vào (vì thường họ sẽ nạp số tiền chẵn). Giả sử họ nạp vào 3$, và mua cốc cafe 2.95$, vậy 50 cent dư ra đó sẽ chẳng thể dành để mua gì, mà nằm yên trong tài khoản của họ, hay chính xác là nằm yên trên tài khoản của Starbucks. (theo báo cáo của Starbucks, họ đút túi 125 triệu USD trong năm 2019, bởi chính đặc tính này của người dùng).
Ngoài ra, khách hàng khi đã nạp vào rồi thì lại rất ít có xu hướng rút ra, vì thói quen người Mỹ uống Starbucks giống như người Hà Nội trà đá vậy đó, do đó tiền cứ mãi nằm yên trong tài khoản của Starbucks mà thôi.
Vì đặc điểm này, Starbucks được coi là một dạng ngân hàng không chính thức. Trong giới tài chính, đồng tiền nằm yên là đồng tiền chết, và với nguồn lực dự trữ khủng như vậy, Starbucks hoàn toàn có thể sử dụng khoản tiền này vào các phần việc khác gia tăng lợi nhuận cho họ (tương tự các ngân hàng đem tiền của người gửi đi cho vay).
Theo báo cáo tài chính của Starbucks, hiện tại họ có khoảng 1.7 tỷ USD trữ trong tài khoản của mình. Khoản tiền nay quy ra tiền Việt thì đâu đó vào khoảng 40.000 tỷ (với tỉ giá hiện tại 1$ = 24.000 VND). Để thấy rõ mức khủng của Starbucks, thì dự trữ lớn nhất năm 2021 của các ngân hàng Việt Nam thuộc về BIDV, với con số là 29.000 tỷ (~ 73% của Starbucks)
Mặt khác, việc gửi tiền trên Starbucks không hề được hưởng lãi suất, trong khi lãi suất ở Việt Nam hiện tại đang khoảng 8-9%, thì người gửi tiền vào Starbucks lại chẳng nhận được 1 xu nào tiền lãi. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho Starbucks, vì họ dự trữ tiền gửi mà không hề phải trả lãi, vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng hiện tại.
McDonald business model
Nhắc đến McDonald, chắc hẳn ai cũng liên tưởng đến những chiếc hamburger siêu rẻ, hay những chiếc đùi gà chiên cùng ít khoai tây chiên rắc kèm với ly coca tươi thơm ngon. McDonald là một trong những thương hiệu cung cấp dịch vụ thức ăn nhanh (fast food) thành công nhất toàn cầu. Vì vậy, mô hình kinh doanh của McDonald cũng là loại hình franchise nhượng quyền kinh điển ?
Lại non rồi
Phân lô bán nền muôn đời thịnh.
Bản chất McDonald là một doanh nghiệp bất động sản, điều này được chính chủ tịch của McDonald xác nhận, lý do họ bán hamburger vì họ cho rằng nó đem lại lợi nhuận lớn và giúp các bên nhận nhượng quyền trả phí thuê mặt bằng.
Thực vậy, theo báo cáo tài chính năm 2019, tổng giá trị tài sản của McDonald trước khi trừ khấu hao (depreciation) rơi vào khoảng 39 tỷ USD, biến McDonald trở thành hãng kinh doanh bất động sản lớn thứ 5 thế giới.
Mô hình kinh doanh của họ là gì?
Đầu tiên, McDonald sẽ mua đất ở các vị trí đắc địa, đi kèm với họ là các đối tác tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư,…) để mua lại toàn bộ mặt bằng này. McDonald bỏ ra 1/3 số tiền, và 2/3 còn lại sẽ vay từ các đối tác tài chính, lợi nhuận từ việc bán hamburger sẽ dùng để trả lãi cho các khoản vay bất động sản. Chỉ sau vài năm, McDonald đã có thể trả hết nợ và trở thành người chủ thực sử của lô đất. Vì tính chất tăng giá qua thời gian của bất động sản, tài sản của McDonald cũng tăng theo, vì vậy họ lại càng được ưu đãi tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp. Mặt khác, McDonald ép buộc các cửa hàng trong chuỗi kinh doanh trên mặt bằng này, cần phải trả phí nhượng quyền và phí thuê mặt bằng (phí này còn đắt gấp rưỡi giá thị trường).
Đây là mô hình kinh doanh do chính McDonald nghĩ ra, và nó được đặt tên là mô hình kinh doanh bất động sản dòng tiền kép (từ việc thuê mặt bằng, và nhượng quyền franchise).
Theo báo cáo tài chính năm 2019, McDonald kiếm về 11,6 tỷ USD từ tiền thuê bất động sản, chiếm 64% tổng doanh thu.