Bài viết đầu tiên về chủ đề non-tech, do career path của tôi giờ đã chuyển sang hướng mới, nên nhân tiện một buổi tìm kiếm tài liệu và chuẩn bị cho buổi training về Agile/Scrum cho công ty, tôi cũng note lại vài dòng vào cái blog cũ kỹ này, hy vọng nếu bạn có đọc thì ủng hộ swiftyvn tiếp nha.
Chủ đề lần này tôi sẽ bàn luận một số điểm thú vị tôi nhận thấy giữa Scrum Team và Team Tây Du Ký - 2 team nghe rất khác nhưng lại có nhiều điểm chung. Có một sự thật rằng người Trung Quốc khá là thần tượng Tây Du Ký, họ coi đây là dream team mà nhiều công ty mong muốn xây dựng đội ngũ theo mô hình này (quan điểm này được Jack Ma nhấn mạnh cho Alibaba, ngoài ra còn 10cent, Baidu,…). Vậy thì ta có thể thấy điều gì đặc biệt từ team Tây Du, mà khiến cho người Trung họ mê mẩn đến vậy?
(Nguồn Pinterest)
Scrum Team và Team Tây Du
Theo Scrum Guide, bản cũ gọi team phát triển trong mô hình Scrum là Development team, hiện tại gọi là Developers, tuy nhiên tôi thích cách gọi Dev team kiểu cũ hơn nên tôi sẽ dùng thuật ngữ này trong toàn bộ bài viết của mình, về bản chất bạn có thể hiểu nó là một.
Đặc điểm của Scrum team trong mô hình Scrum được quy định rất rõ trong Scrum Guide, đó là một team tự tổ chức (self-organized / self-managing) và liên chức năng (cross-functional). Team tự tổ chức thì đơn giản rồi, là một team tự quyết định mình làm gì, khi nào, và làm thế nào.
Vậy team liên chức năng là gì?
Đó không phải là một team mà ai trong team cũng có thể một mình làm nhiều việc được, định nghĩa của nó là một team mà mọi người trong team cùng với nhau có đủ khả năng và kiến thức để hoàn thành các công việc cần thiết. Tức là trong team tôi không cần 2 ông dev fullstack vừa code backend, vừa code frontend được, mà tôi chỉ cần 1 ông backend và 1 ông frontend là cũng có thể form với nhau được rồi.
Team Tây Du thì sao?
Đó có phải là team tự tổ chức không?
Họ tự quyết định lộ trình của mình, miễn là điểm đến là đất Phật và thỉnh chân kinh, họ tự quyết định làm gì trong hành trình của mình, miễn không vi phạm quy tắc đã đề ra từ trước (không phạm sắc giới). Vậy team Tây Du là team tự tổ chức.
Đó có phải là team liên chức năng không?
Thông thường, mọi spotlight sẽ đổ dồn về Tôn Ngộ Không - thần thông quảng đại, siêu nhân cân team. Tuy nhiên có ai chú ý đến các nhân vật còn lại điển hình là Bát Giới và Sa Tăng không? Bát Giới tham ăn tục uống, nên suốt ngày nhận nhiệm vụ đi xin cơm, an ủi, giảng hòa các thành viên, làm hậu cần cho cả team. Còn thanh niên lầm lì Sa Tăng thì quanh năm quang gồng ghánh đống hành lý vượt ngàn dặm cũng đâu có than ai? Rõ ràng, dù ít hay nhiều thì cũng không thể phủ nhận sự đóng góp của Bát Giới, Sa Tăng, hay Bạch Mã Long trong hành trình thỉnh kinh của team được.
Thực tế hiện tại các doanh nghiệp đều mong muốn tuyển dụng các Tôn Ngộ Không về team của mình, với kì vọng là 3 ông Tôn Ngộ Không sẽ phò tá được Đường Tăng đến Tây Trúc. Thực tế có phò tá được hay không thì tôi không chắc, vì chưa bản Tây Du Ký nào viết về nó, tuy nhiên, chỉ 1 anh Tôn thôi cũng đã 3 lần bị đuổi khỏi team rồi, vậy với 3 thánh Tôn thì sẽ phức tạp thế nào đây? Nên nhớ, ai cũng đòi làm Tôn Ngộ Không thì ai sẽ đi xin cơm, ai sẽ xách hành lý, ai sẽ để sư phụ cưỡi đây?
Lý do team Tây Du được coi là dream team là vì họ không phải là tập hợp những người kiệt xuất nhất, trái lại, hình tượng của họ được xây dựng dựa trên đầy đủ các đức tính tốt và xấu, tham-sân-si của con người. Ấy vậy mà họ vẫn kết hợp được với nhau thành một đội ngũ hoàn chỉnh và thành công hoàn thành nhiệm vụ thỉnh chân kinh.
(Nguồn Pinterest)
Học được gì từ team Tây Du
Đường Tăng
Nhiệm vụ của Đường Tăng là lãnh đạo và điều hành cả team hoàn thành đại nghiệp truyền kinh, ngoài ra còn phải uốn nắn, giáo dục các đồ đệ quay về chính đạo. Trong Scrum Team có một vị trí cũng tương đương với ngài Tam Tạng, đó chính là Product Owner. PO thường được coi là thuyền trưởng, là người lèo lái cả team thống nhất để đi theo đúng business từ vision của mình. Có thể khi xem Tây Du Ký, mọi người đều sẽ ghét Đường Tăng, thậm chí còn tức anh ách, và cho rằng người như thế này thì sao có thể làm lãnh đạo được 1 lũ đồ đệ thông minh, nhiều tài phép hơn mình.
Tuy nhiên sự thật là Đường Tăng lại là 1 PO chuẩn mực, hãy nhớ lại 2 nhiệm vụ chính của cả team: thỉnh kinh và hướng Phật. Xuyên suốt hành trình, Đường Tăng là người kiên định nhất, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để thủy chung với mục tiêu ấy nhất, điển hình nhất là ải Tây Lương Nữ Quốc. Sự bảo thủ trong suy nghĩ và hành động của nhân vật Đường Tăng cũng là 1 ví dụ trong việc tiên quyết hành động theo mục tiêu đề ra. Nhiệm vụ cảm hóa và uốn nắn các đồ đệ của Đường Tăng chắc chắn sẽ không thể thành công nếu như ông ta nói và làm bất nhất: luôn miệng khuyên đồ đệ từ bi hỉ xả, nhưng lại cho phép Ngộ Không thỏa sức giết cướp, hoặc giết Bạch Cốt Tinh. Thế nên mới có sự vụ 3 lần đuổi Ngộ Không, nên nhớ nhiệm vụ của ông ta không phải là làm hài lòng mọi người, mà phải chấp nhất với mục đích của mình. Ở khía cạnh này, chắc chắn Tam Tạng là một PO xuất sắc rồi.
(Nguồn Pinterest)
3 đồ đệ - Development team
Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, Trư Bát Giới vừa dại vừa ngu.
Trong 81 kiếp nạn, thì gần như đóng góp của thanh niên Tôn là không phải bàn cãi, tuy nhiên tại sao lại là luôn là thánh Tôn? Câu trả lời đơn giản nhất là anh ta giỏi việc farm quái, thì nên để anh ta làm việc đấy. Thanh niên Bát Giới không phải là thực lực yếu, Thiên Bồng Nguyên Soái thống lĩnh 8 vạn thủy quân với 36 phép Thiên Cang thì chắc chắn không kém sư huynh của mình nhiều. Tuy nhiên bản tính lười nhác của mình, Bát Giới cuối cùng cũng chỉ là người đi xin cơm chay mà thôi. Trong mô hình Agile/Scrum, không có chỗ cho Bát Giới, tuy nhiên sự thật rằng khi form team, bạn buộc phải chấp nhận rằng bạn sẽ gặp những cá nhân như Bát Giới, và bạn sẽ không có đủ thời gian để thay đổi họ, thế nên cách tốt nhất là hãy khai thác họ theo đúng nhiệm vụ mà họ muốn.
Nếu tinh ý, Bát Giới lại có thể dạy cho chúng ta bài học về Sprint. Mỗi khi nghe tin sư phụ của mình đã bị yêu quái ăn thịt, Bát Giới luôn là người hăng hái nhất trong công việc chia hành lý và bán ngựa. Nhiệm vụ của các đồ đệ là hộ tống sư phụ sang Tây Trúc, tức đó là Sprint Goal của họ, giờ thì sư phụ không còn, tức là không còn lý do gì để tiếp tục Sprint nữa, vậy cách tốt nhất là cancel Sprint rồi. (Ấy tôi viết vậy, nhưng đừng có nghĩ là lúc nào cũng ý kiến cancel sprint nhé, PO đấm cho không trượt phát nào thì tôi không chịu trách nhiệm).
Sa Ngộ Tĩnh là thanh niên siêng năng chăm chỉ, không có cá tính nổi loạn như đại sư huynh, cũng không lười nhác như nhị sư huynh, chỉ cần được giao task là bắt tay vào làm, không kêu ca phàn nàn. Do đó, Sa Tăng là mẫu nhân viên được nhiều công ty yêu thích nhất.
3 ông: ông farm quái, ông xin cơm dắt ngựa, ông ôm hành lý, lại có thể kết hợp được với nhau để hoàn thành mục tiêu ban đầu.
Ai là Scrum Master?
Thật ra thì không có Scrum Master đúng chuẩn cho team Tây Du. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ vào một số vai trò mà Scrum Master đóng góp cho team để tìm ra đại diện. Scrum Master đảm bảo team tuân thủ theo framework Scrum - cái này thì không có rồi, tuy nhiên Scrum Master cũng support PO (Đường Tăng) trong việc quản lý công việc và nhiệm vụ của mình, ngoài ra cũng support development team (3 đồ đệ) trong việc tối ưu hóa công việc, giúp đỡ nếu có khó khăn. Vậy ai sẽ là người phù hợp ở đây?
Theo cá nhân tôi, tôi có thể đề cử Bồ Tát - là người thử thách Đường Tăng cũng như giúp đỡ ông trong việc form team (chọn 3 đồ đệ). Đường Tăng gặp khó khăn trong việc kiềm chế tính cách của anh Khỉ, Bồ Tát là người giúp ông sử dụng vòng kim cô. Anh Khỉ bị đuổi, Bồ Tát là người giúp thầy trò làm hòa, hay như kiếp nạn cây Hồ Lô của Trấn Nguyên Tử, và Hồng Hài Nhi, thì Bồ Tát là người giúp team giải quyết khó khăn đó.
Tổng Kết
Không cần một team xuất sắc nhất để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, bạn chỉ cần một team có đủ khả năng về nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ là được (dĩ nhiên là có nhiều người xuất sắc thì sẽ tốt hơn rồi, nhưng ý chính ở đây không phải là những người chưa xuất sắc thì không thể làm nên trò trống gì được). Bạn phải hiểu rằng khi form một team, sẽ có nhiều người với các đặc điểm khác nhau, bạn phải chấp nhận sự khác biệt đó, và nhiệm vụ là gắn kết họ để họ có thể cộng tác theo một mục đích chung đã đề ra. Nhắc lại, ai cũng đòi làm Tôn Ngộ Không, thì ai sẽ là người xách hành lý.
Vậy bạn học được gì từ team Tây Du ?